Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Phân loại rác như thế nào


Việc phân loại rác thật cần thiết và quan trọng. Nó giúp cho việc tái chế và xử lý rác được nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Bài báo sao đây được lấy từ nguồn trên mạng. Trong bài tiếp, chúng ta sẽ xem cách họ - người Nhật xử lý rác.

CÁCH ĐỔ RÁC TẠI NHẬT

Đến với Nhật Bản chắc chắn các bạn sẽ không bắt gặp những hình ảnh rác thải vứt đầy đường, vứt ở cột điện không đúng nơi quy định…Đơn giản, chỉ vì, đất nước hoa anh đào có những quy định về đổ rác và phân loại rác rất gắt gao.
Các bạn thực tập sinh đi du học Nhật Bản / xuất khẩu lao động Nhật Bản đều được học những bài học về phân loại rác. Hôm nay, hãy cùng xem các bạn được học những gì nhé.

Quy định đổ rác:


Phải đổ rác ra trong khoảng thời gian từ sáng sớm đến 8:30 sáng của ngày thu rác đã được quy định và phải bỏ ra nơi đã được quy định.

Người Nhật Bản mỗi buổi sáng thức dậy ra khỏi cửa đều một tay xách cặp một tay xách túi rác. Trước khi đến cơ quan, nhiệm vụ của người đàn ông trong nhà là vứt rác vào thùng rác cố định hoặc máy thu gom rác đặt ở tầng 1. Thế nên người Nhật Bản mới nói đùa với nhau rằng, “ông xã chính là một cái máy vứt rác”.

Trong những ngày ở Nhật Bản, chúng tôi còn để ý thấy rằng, những thùng rác được đặt trên đường phố hoàn toàn không nhiều. Những người Nhật Bản mỗi khi ra khỏi nhà cũng đem rác bỏ vào trong chính túi rác mà họ mang theo bên mình. Vì vậy nếu bạn đến các trung tâm mua sắm xa hoa của Nhật Bản và bắt gặp những cô gái trẻ đẹp cầm những túi đựng rác đi shopping thì bạn cũng đừng kinh ngạc.

Phân loại rác

Rác trong gia đình được phân loại thành 6 loại như sau

(1) Rác đốt được

[Loại rác]

Rác nhà bếp (các món nấu vụn, cơm thừa, vỏ trái cây, bã trà,vỏ trứng, rau thừa…), tàn thuốc lá, giấy vụn, đũa dùng một lần, tăm tre để xiên nướng, hộp giấy, cây cỏ, lá khô, bụi của máy hút bụi, hàng đồ da, gỗ vụn trong công việc làm tại nhà, băng vệ sinh, tã giấy…     

[Các điều cần lưu ý]

1.  Khi bỏ rác, bỏ vào bao nhựa dẻo hoặc bao nhựa vinyl có bán bên ngoài… và buộc miệng bao lại trước khi bỏ rác.

2.  Rác nhà bếp phải được vắt hết nước, dùng giấy báo… gói lại trước khi bỏ vào bao.

3.  Gỗ vụn, cành cây trong vườn… phải được cắt ngắn cỡ 50cm, dùng dây cột bó lại trước khi bỏ ra.

(2) Rác không đốt được

[Loại rác]

Sản phẩm làm bằng nhựa cứng (chai chứa dầu gội đầu, hộp đựng bột giặt, bao được thức ăn, đồ chơi…) sản phẩm bằng nhựa dẻo, sản phẩm bằng nhựa vinyl, sản phẩm làm bằng nhựa ni lông, nhựa xốp, cao xu các loại (giày thể thao, giày ống cao, dép…), sản phẩm da nhân tạo, đồ gốm các loại, lưỡi dao cạo, bóng đèn điện, kính, lọ mỹ phẩm, thủy tinh pha lê, ô dù, ghế ngồi, bình thủy, lọ xịt, lon đựng sơn… 

[Các điều cần lưu ý]

a. Rác không đốt được phải cho vào bao nhựa dẻo hoặc bao nhựa vinyl trước khi bỏ ra.

b. Những thứ to lớn không thể bỏ vào bao tải được thì làm sao đừng rơi rớt đây đó.

c. Lọ bình xịt có thể gây nguy cơ nổ,cần phải cho xì ra hết khí bên tronng trước khi bỏ ra.

d. Khi bỏ vật nguy hiểm như lưỡi dao cạo… phải bọc trong giấy báo và ghi chữ “kiken=nguy hiểm”, xong cho vào bao nhựa vinyl trước khi bỏ ra.

(3) Rác tài nguyên

[Loại rác]

Giấy các loại (giấy báo, tờ rơi quảng cáo, giấy báo gói hàng, hộp đựng quần áo, hộp đựng giầy, hộp trống, thùng giấy carton…) quần áo (quần áo, vải vụn cũ ) lon rỗng (bia, rượu, nước giải khát, thức ăn đóng hộp, chai đựng sữa…), kính bể, chai, bộ đồ ăn (son, nồi, niêu, ấm nước, sắt vụn, xe đạp, gia cụ bằng sắt thép…), đồ điện gia dụng (tivi, máy giặt, tủ lạnh, dàn máy stereo, lò sưởi, bếp gas… một số rác loại này là thu có phí), mền nệm=Futon…      

[Các điều cần lưu ý]

a.  Lon va chai cho vào bao nhựa dẻo hoặc bao nhựa vinyl trước khi bỏ ra.

b.  Giấy các loại, quần áo các loại phải chia theo loại và buộc dây theo hình chữ thập, và giữ sao cho nó không bị mưa ướt khi bỏ ra.

c.  Chai và lon phải rửa một lần trước khi bỏ ra.

d.  Thuỷ tinh bể vỡ phải gói bằng giấy báo…, bỏ vào bao va ghi chữ “Garasu kiken=thủy tinh nguy hiểm” bên ngoài bao trước khi bỏ ra.

(4) Rác có hại

[Loại rác]

Pin, bóng đèn huỳnh quang, nhiệt kế.  

[Các điều cần lưu ý]

a. Cho vào bao nhựa dẻo hoặc bao nhựa vinyl trước khi bỏ ra.

b. Bên ngoài bao ghi rõ “Yugai gomi=rác có hại” trước khi bỏ ra.

c.  Lưu ý để không bỏ lẫn với rác tài nguyên trước khi bỏ ra .

Pin có chứa chất thủy ngân hữu cơ độc hại, do đó hãy bỏ vào bao trong có thể nhìn thấy bên trong và tuân theo cách bỏ đã được quy định.

(5) Rác cồng kềnh

[Loại rác]

Gia cụ các loại (bàn gỗ,ghế gỗ, tủ đựng quần áo, bàn kính trang điểm, giường, thảm cao cấp các loại, thảm thường các loại, tấm đệm…), cửa các loại (cửa ra vào, cửa giấy kiểu Nhật …)

(Chú ý) Rác lớn cồng kềnh là những đồ vật như nêu trên mà có kích cỡ khoảng trên 1m2  

[Các điều cần lưu ý]

a.  Khi mua cửa các loại…thì hãy yêu cầu người bán hàng thu nhận đồ cũ.

b.  Đồ gỗ có thể cắt ra thành từng tấm có mỗi cạnh dưới 50cm, bó lại và bỏ ra vào ngày rác đốt được.

c.  Rác lớn cồng kềnh bỏ ra trước cửa nhà hoặc bỏ ra nơi mà xe (tấn) có thể vào được.

d.  Bỏ rác theo chế độ xin bỏ rác bằng điện thoại. Tùy theo loại đồ vật, có trường hợp phải trả một khoản phí thủ tục thu hồi rác.

hoc-do-rac-tai-nhat-5

(6) Rác thu gom


[Loại rác]

Xe máy, chiếu tatami, lốp xe, dầu phế thải…

Một kinh nghiệm nhỏ cho các bạn du học sinh/tu nghiệp sinh : Nếu không có tiền sắm tủ lạnh, tivi….và những vật dụng cần thiết khác hãy ra…bãi rác. Đảm bảo các bạn làm hết 3 năm về nước đồ các bạn cũng chưa hỏng.

Trên đường từ sân bay quốc tế Narita tới Tokyo, các bạn khi đến Nhật Bản sẽ nhìn thấy tới 4 nhà máy thiêu hủy rác. Nhưng nếu như người hướng dẫn viên du lịch không giới thiệu có lẽ sẽ không ai trong chúng tôi nhìn nhận ra những tòa nhà sạch sẽ và rất thời trang kia lại là những nhà máy xử lý rác thải.

Những nhà máy xử lý rác ở Nhật Bản không giống với bất cứ nơi nào trên thế giới, ở đây sạch sẽ đến mức không ai nghĩ đây là nơi tập trung và xử lý rác thải, kèm theo đó là những quy định trong xử lý không giống nơi nào:

1. Ra ngõ mang theo túi rác

Việc đầu tiên vào buổi sáng khi người Nhật Bản mở cửa là vứt rác. Người Nhật Bản mỗi buổi sáng thức dậy ra khỏi cửa đều một tay xách cặp một tay xách túi rác. Trước khi đến cơ quan, nhiệm vụ của người đàn ông trong nhà là vứt rác vào thùng rác cố định hoặc máy thu gom rác đặt ở tầng 1. Thế nên người Nhật Bản mới nói đùa với nhau rằng, “ông xã chính là một cái máy vứt rác”.

Trong những ngày ở Nhật Bản, những thùng rác được đặt trên đường phố hoàn toàn không nhiều. Những người Nhật Bản mỗi khi ra khỏi nhà cũng đem rác bỏ vào trong chính túi rác mà họ mang theo bên mình. Vì vậy nếu bạn đến các trung tâm mua sắm xa hoa của Nhật và bắt gặp những cô gái trẻ đẹp cầm những túi đựng rác đi shopping thì bạn cũng đừng kinh ngạc.

2. Đem nghệ thuật vào các nhà máy thiêu hủy rác

Mỗi một nhà máy thiêu hủy rác đều có thể gọi là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ với phong cách độc đáo. Ngoài ra, chúng tôi còn được biết rằng ở một thành phố khác của Nhật, Osaka trước đây để nộp đơn đăng cai Olympic đã đem rất nhiều ý tưởng sáng tạo nghệ thuật ứng dụng vào thiết kế của nhà máy thiêu hủy rác khiến nó giống như là một khu vui chơi trẻ em hơn là một nhà máy thiêu hủy rác. Chẳng thế mà nó còn có một tên gọi đầy thi vị là “Vườn Mộng Ảo”.

3. Bể bơi ngay bên cạnh nơi thiêu hủy rác

Nhiệt lượng tạo ra từ quá trình thiêu hủy rác có thể lợi dụng để tạo nên các hồ bơi nước nóng phục vụ cho những người dân xung quanh nghỉ ngơi hoặc rèn luyện sức khỏe. Theo lời kể của một nữ phiên dịch viên, người Trung Quốc đã làm việc và sinh sống lâu năm ở Nhật, ở gần nhà cô có một nhà máy thiêu hủy rác và hoạt động nghỉ ngơi cuối tuần thường xuyên của cô là mang hai đứa con của mình đi bơi ở bể bơi gần đó.

Ngay trong thành phố Tokyo, chúng tôi còn nhìn thấy ngay bên cạnh một nhà máy xử lý rác một tấm biển hiệu rất bắt mắt của một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng.

4. Bước vào nhà máy rác phải đổi giày

Khi tham quan cơ sở xử lý rác ở Nhật, bất kể là các nhà máy thiêu hủy rác hay các trạm chuyển rác cho đến các trung tâm thu hồi tài nguyên có khả năng tái sử dụng thì việc đầu tiên khi bạn bước vào cửa là phải đổi giày. Bạn sẽ được đi một loại giày da rất thoải mái và tiện dụng.

Toàn bộ khu vực nhà máy rất sạch sẽ, yên ắng và lịch sử. Bạn cũng sẽ không thấy bất cứ mùi lạ nào ở nơi đây. Chúng tôi đã có cảm giác như đang được ngồi ở một phòng làm việc cao cấp vậy.

5. Vứt rác cũng phải theo lịch

Ở Nhật Bản, mỗi ngày thu loại rác nào cũng không giống nhau. Vào đầu mỗi năm, các trạm trung chuyển rác sẽ phát cho mỗi gia đình mà họ phụ trách vệ sinh một tờ lịch treo tường. Trong tờ lịch này ghi rõ, mỗi ngày gom và vận chuyển loại rác nào, tuần nào chỉ thu giấy, tuần nào thu rác có thể đốt,…

Các hộ dân trong khu vực quản lý chỉ cần theo đúng tờ lịch này để vứt rác. Như vậy việc thu hồi và phân loại rác thải một cách khoa học được thực hiện rất dễ dàng.

6. Bình và nắp bình phải vứt ở hai nơi khác nhau

Chúng ta uống hết một bình nước thường đem vỏ chai vứt vào thùng rác. Nhưng ở Nhật, để vứt được một chiếc vỏ bình nước không phải là một việc đơn giản. Thùng rác cũng có sự khác biệt dựa trên chức năng của các khu vực trong thành phố và đều có hình ảnh chỉ dẫn rất rõ ràng để nhắc nhở du khách

Thùng rác này chuyên dùng để gom bình không. Những bình chưa uống hết hoặc vẫn còn chất lỏng lưu lại thì vứt vào thùng kia. Có nhiều nơi còn có yêu cầu vứt bình và nắp bình ở hai nơi khác nhau để tiện cho việc thu gom các chất khác nhau.

Vì vậy, ở các thùng rác trên đường phố Nhật, bạn có thể nhìn thấy rất nhiều giỏ đựng đầy các nắp chai. Có thể thấy sự phân loại rác ở đây đã đạt đến mức độ tỉ mỉ như thế nào.

7. Tuyên truyền thông qua trẻ em

Các cơ sở xử lý rác ở Nhật Bản luôn mở cửa với công chúng, trở thành một cửa địa điểm quan trọng trong công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân. Ở các cơ sở xử lý rác thải đều có những khu chuyên dùng cho việc đón tiếp những người đến đây tham quan.

Học sinh các trường, cư dân thành phố đều là những vị khách thường xuyên của nơi đây. Đặc biệt là đối với học sinh, việc tham quan các cơ sở xử lý rác đã trở thành một môn học bắt buộc. Ngoài ra sau khi tham quan các trường còn tổ chức cho học sinh viết các bài thu hoạch, viết các báo tường tuyên truyền, powerpoint, tranh ảnh tuyên truyền, cho đến những sản phẩm thủ công được làm từ các vật phế thải,…

Những tác phẩm này còn được dùng cho các nhà máy xử lý rác dùng để trưng bày ngay tại các khu tiếp đãi của mình trở thành những tác phẩm tuyên truyền sinh động. Thông qua quá trình như vậy, ý niệm về bảo vệ môi trường dần dần hình thành trong mọi người. Từ đó, trẻ em ở Nhật trở thành những người tuyên truyền tích cực cho công tác bảo vệ môi trường.

8. Tranh nhau mua hàng tái chế

Trung tâm thu mua các tài nguyên có thể tái sử dụng ở Nhật giống như một cửa hàng trưng bày vật dụng gia đình. Theo giới thiệu, vì đời sống được nâng cao nên có rất nhiều gia đình muốn mua mới vật dụng, các vật dụng cũ vì thế từ khắp mọi nơi tập trung về đây.

Ở đây, sau khi trải qua quá trình tẩy rửa chuyên nghiệp, sửa sang, các vật dụng “tái sinh” như mới và tiếp tục bán ra cho những người có nhu cầu sử dụng. Theo đó, những vật dụng gia đình “secondhand” sẽ có giá rẻ hơn, hấp dẫn nhiều khách hàng hơn. Và vì cung không đủ cầu, nhiều người đã tranh giành nhau mua, nhiều lúc phải dùng hình thức rút thăm để quyết định ai sẽ được quyền mua một món đồ “secondhand”.

Nguồn yukicenter

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Tại sao Việt Nam không nên làm thép!

Đọc bài báo này thì chúng ta sẽ biết được tại sao Việt Nam sản xuất thép không phải là lợi thế cũng như không có lãi tại thời điểm này về mặt kinh tế. Liên hệ với dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận thì về môi trường thì đã có bài học nhãn tiền về lựa chọn môi trường hay chọn thép.

Có lẽ chúng ta nên xem xét lại chiến lược phát triển kinh tế là nên đầu tư cho sáng tạo cũng như tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa về xuất khẩu. Nên đầu tư vào điện gió, phát triển các ngành dịch vụ du lịch.

Sau đây là trích nguyên văn bài báo.

Việt Nam không nên làm thép!



Dù bị áp thuế tự vệ, giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn thấp hơn thép Việt Nam khoảng 10%.

Kể từ sau khi tin tức về dự án thép Cà Ná có quy mô 10,6 tỉ USD được truyền đi, những tranh cãi về chuyện Việt Nam nên hay không nên làm thép đã nổ ra. Phía ủng hộ có lý do để bỏ phiếu thuận. Đại diện Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 17 triệu tấn thép vào năm 2020 và đến năm 2025, con số này có thể lên tới 22-25 triệu tấn. Đây là lý do để Bộ Công Thương bỏ phiếu cho dự án thép Cà Ná.
Một số chuyên gia tán thành sự ra đời của những dự án thép “khủng” còn vì ngành thép cần được cơ cấu lại. Trong bài viết của mình, chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc cho rằng, phần lớn nhà máy ở Việt Nam có quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ (công suất dưới 500.000 tấn). Sự ra đời của những dự án thép quy mô lớn hứa hẹn làm gia tăng vị thế của ngành, tăng áp lực cạnh tranh, buộc các nhà máy và dự án thép kém hiệu quả phải rút lui.
Liệu những lý do này đủ để thuyết phục các dự án thép “khủng” là cần thiết cho Việt Nam?
Nỗi ám ảnh từ thép Trung Quốc
Phải thừa nhận một nghịch lý rằng Việt Nam thiếu nhưng lại thừa thép. Trong những phân khúc Việt Nam đang sản xuất như thép xây dựng, thép ống, thép cuộn cán nguội và tôn mạ, hầu hết đều có công suất gấp đôi mức tiêu thụ. Sắp tới, khi nhiều dự án mới như Khu Liên hợp Gang Thép Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan), Thép Nghi Sơn cùng đi vào hoạt động, sản lượng thép đến năm 2030 có thể đạt tới 50 triệu tấn mỗi năm, gấp 3-4 lần hiện tại. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự đoán chưa tới 40 triệu tấn/năm.
Thừa thép nhưng Việt Nam vẫn đang bỏ ra hàng tỉ USD mỗi năm để nhập khẩu thép. Đó là vì nhiều loại thép như thép hợp kim, thép cuộn cán nóng, thép tấm lá, thép không gỉ, thép chế tạo... Việt Nam chưa đủ khả năng sản xuất hoặc chưa đủ năng lực đáp ứng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2015, Việt Nam đã nhập gần 1,8 triệu tấn phôi thép, nhập hơn 1,6 triệu tấn thép cuộn, dây thép và 1,43 triệu tấn tôn mạ. Tất cả đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Đây là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm, đồng thời cũng phản ánh năng lực cạnh tranh yếu kém của ngành thép Việt Nam. Thực tế, dù bị áp thuế tự vệ, giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn thép Việt Nam khoảng 10%. Vì thế, các công ty thương mại tích cực nhập khẩu thép Trung Quốc về bán. Trong 8 tháng đầu năm nay, lượng thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã gần bằng 80% lượng thép tiêu thụ trên thị trường và chiếm xấp xỉ 60% về sản lượng lẫn giá trị thép nhập khẩu của Việt Nam.
Thép Trung Quốc sẽ còn tiếp tục gây khó khăn cho thép Việt Nam do quốc gia này đang thừa cung và có thể sẽ thực hiện chiến dịch phá giá, đẩy mạnh bán thép ra nước ngoài. Trung bình mỗi năm Trung Quốc xuất ra thị trường thế giới 15% tổng sản lượng sắt thép. Nếu tình hình tiêu thụ ở Trung Quốc không cải thiện, nước này có thể dư thừa tới 300 triệu tấn thép mỗi năm, theo dự báo của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc.
Viet Nam khong nen lam thep!

Cả thế giới đều lo sợ và tìm cách ngăn chặn thép Trung Quốc. Mỹ đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên tới 266% đối với một số sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu. Úc cũng quyết định áp thuế chống bán phá giá 53% lên thép Trung Quốc từ tháng 4 năm nay bất chấp Trung Quốc đe dọa cắt giảm nhập khẩu quặng sắt từ Úc. Riêng châu Âu, một mặt vận động các tập đoàn thép lớn sáp nhập với nhau và đổi mới công nghệ để làm ra những loại thép cao cấp mà Trung Quốc không sản xuất được, mặt khác đàm phán với Trung Quốc lập ra một cơ quan hỗn hợp để theo dõi số liệu thương mại song phương về thép và giám sát việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp cắt giảm sản lượng thép.
Việt Nam cũng đã thiết lập hàng rào thuế quan tự vệ đối với thép nhập khẩu và chính thức áp dụng biện pháp này từ tháng 8.2016. Tuy nhiên, mức thuế 23,3% mà Việt Nam áp cho phôi thép và 15,4% dành cho thép dài sẽ chỉ kéo đến tháng 3.2020, với thuế suất giảm dần qua các năm. Nhiều khả năng các biện pháp tự vệ từ Việt Nam sẽ không làm chậm lại bước tiến của thép Trung Quốc.
Trung Quốc có sức mạnh của một cường quốc về sản xuất thép. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, hằng năm, Trung Quốc sản xuất hơn 800 triệu tấn thép. Tuy năm 2015, nước này đã giảm đôi chút về sản lượng nhưng vẫn gấp 5 lần sản lượng của châu Âu, hơn 7 lần Nhật và chiếm hơn một nửa tổng sản lượng thép toàn thế giới. Với quy mô này, cộng thêm những ưu đãi mà Trung Quốc dành cho ngành thép, như ưu đãi về giá điện, nước, nới lỏng các quy định về môi trường và các doanh nghiệp thép Trung Quốc cũng đã triển khai những ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thép nên thép Trung Quốc không chỉ vượt trội về nguồn cung hàng hóa mà còn hấp dẫn về giá cả. Với những lợi thế này, gần như không quốc gia nào thắng nổi Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh về giá thép.
Bất lợi đủ đường
Ngành thép Việt Nam còn phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một khi nhà máy thép của Formosa đi vào vận hành, với công suất 7,5 triệu tấn/năm giai đoạn 1 và tăng lên khoảng 22,5 triệu tấn/năm khi nhà máy hoàn thiện, Formosa có khả năng sẽ thao túng cả thị trường. Bởi ngay doanh nghiệp thép lớn nhất hiện nay của Việt Nam là Hòa Phát cũng chỉ mới đạt công suất 2 triệu tấn/năm.
Ngành thép cũng chịu ảnh hưởng bởi cung cầu thị trường, giá cả... trên thế giới, vốn thường xuyên biến động. Chính vì thế, ngành thép chỉ mới sáng sủa trở lại trong năm nay, sau khi giá thép thế giới hồi phục, nhu cầu thép trong nước tăng theo, thị trường bất động sản ấm lại và Việt Nam đã tiến hành các biện pháp thuế quan tự vệ. Còn trước đó, ngành thép Việt Nam hứng chịu nhiều lao đao. Trong 5 năm (2011-2015), nhiều doanh nghiệp trong ngành này như Thép Việt Ý, Hữu Liên Á Châu, Thép Tiến Lên, Pomina, Thép Nam Kim, Đại Thiên Lộc, Thép Thái Nguyên (TISCO)... đều từng nếm trải mùi thua lỗ.
Viet Nam khong nen lam thep!
Hơn 2/3 nhà máy thép trong nước sử dụng thiết bị sản xuất có công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: baomoi.com
Nhìn sâu thêm vào ngành thép mới thấy Việt Nam khó mong đạt tới một nền công nghiệp thép có khả năng trụ vững trước sức tấn công của thép Trung Quốc. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Fulbright, sau hơn 2 thập niên tìm cách đổi mới ngành thép, dồn lực đầu tư cho nhóm doanh nghiệp nhà nước mà cụ thể là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), VNSteel vẫn không tỏa sáng. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân - nhóm không được ưu tiên - lại cho thấy sức bật. Hiện tại, Pomina là doanh nghiệp đầu tư bài bản nhất, còn Hòa Phát có lẽ là doanh nghiệp đạt lợi thế cạnh tranh lớn nhất.
Nhưng sự vươn lên của một số doanh nghiệp thép không xóa đi được thực trạng ngành thép Việt Nam. Số liệu từ VSA cho thấy, hơn 2/3 nhà máy sản xuất thép trong nước hiện sử dụng các thiết bị sản xuất có trình độ công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Trong luyện phôi, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dùng công nghệ lò điện, vốn là công nghệ lạc hậu so với lò cao. Trong sản xuất thép, nhiều công ty sử dụng lò dung tích nhỏ (chưa tới 100 m3), thấp hơn nhiều so với  dung tích bình quân hàng ngàn mét khối của Nhật, Trung Quốc. Bởi thế, các doanh nghiệp thép của Việt Nam thường mất thời gian gấp đôi và tiêu hao điện cao hơn 60-70% so với thế giới để sản xuất 1 mẻ thép, theo báo cáo từ VNSteel. Và giá thành làm thép của Việt Nam cũng cao hơn 10-15% thế giới.
Tương lai ngành thép Việt Nam đang trông nhờ vào các doanh nghiệp tư nhân như Hòa Phát, Hoa Sen, Pomina. Đây là các doanh nghiệp đã lớn mạnh về quy mô, đầu tư nghiêm túc nên được kỳ vọng sẽ tạo được sức cạnh tranh. Nhưng đây cũng là nhóm cần sự hỗ trợ từ chính sách. Chẳng hạn, chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt có lợi cho Hòa Phát và TISCO. Hòa Phát, chẳng hạn, đã nắm quyền quyết định trong đàm phán mua quặng sắt khi các cửa ra cho quặng sắt bị đóng lại.
Ngay việc áp thuế tự vệ cũng chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp vừa luyện phôi vừa sản xuất thép như Hòa Phát, Việt Ý, Pomina, nhóm doanh nghiệp VNSteel, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Còn phần đông những doanh nghiệp chỉ sản xuất hoặc làm thương mại thép lại không hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít. Rõ ràng, các chính sách về thép chỉ hỗ trợ một nhóm doanh nghiệp và đã gây ra những tranh cãi nhất định.
Đáng nói là dù được tạo điều kiện, sản phẩm thép Việt Nam vẫn khó lật ngược thế cờ trước thép ngoại. Lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn trên đà tăng và tăng cao hơn sản lượng thép sản xuất trong nước. Trong khi đó, sản xuất thép đưa đất nước đối mặt với rủi ro môi trường. Theo Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt  Nam (VFMSTA), để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, các doanh nghiệp sẽ thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, 3 m3 nước thải độc hại, 2,3 tấn khí CO2, cùng các loại khí CO, SO2, bụi và bụi kim loại... Vì vậy, trong các vùng luyện kim, thường 60% khí quyển bị nhiễm bẩn. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất sẽ gây ra những hiện tượng như mưa a-xít, cùng với bụi kim loại, làm nguy hại cho sức khỏe con người, cây trồng vật nuôi trong khu vực.
Trả lời báo chí, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VFMSTA, cho biết: “Sản xuất thép là ngành không thân thiện với môi trường. Không có nhà máy thép nào là sạch. Nơi nào có nhà máy thép nơi đó có ô nhiễm”. Để làm sạch môi trường, năm 2014, các doanh nghiệp Mỹ đã chi 17 USD cho mỗi tấn thép, theo Cục Điều tra Thống kê Mỹ. Nếu Formosa cũng làm theo cách của doanh nghiệp Mỹ, ước tính chi phí khử ô nhiễm khi sản xuất 7,5 triệu tấn thép sẽ là 127 triệu USD.
Việt Nam đi sau, lại không có lợi thế về quy mô, công nghệ, vốn… để đưa ngành thép đạt tới tầm vóc đủ sức cạnh tranh về giá và chất lượng với các nước. Trong khi đó, thép Trung Quốc, thép Hàn, Nhật... dư thừa nguồn cung, không ngừng đe dọa thép Việt Nam. Và cùng với hiểm họa môi trường, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam nên đi con đường nhập thép sẽ lợi ích hơn là đẩy mạnh sản xuất thép.
Ngọc Thủy


Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

5 cách biến công việc đầu tiên thành bàn đạp thành công

"Chẳng có công việc nhàm chán hay vô nghĩa, chỉ có người không chịu khó cố gắng và học hỏi."

Bài này là cho các bạn mới ra trường và đi làm. Tuy nhiên, ta cũng có thể thấy nhiều điều quý báu từ bài báo này.

Nguồn


Những khóa thực tập hè hay công việc đầu đời thường là bệ phóng cho sự thành công. Dù lúc làm những việc ấy bạn sẽ không cảm thấy như vậy, nhưng những kinh nghiệm quý báu được tích lũy từ đó sẽ rất có ích cho nhiều thứ, ngoài việc “làm đẹp” cho CV xin việc. Càng lớn người ta càng gặp khó khăn trong việc tiếp thu và lĩnh hội, do đó những công việc đầu tiên luôn là cơ hội quý giá để tranh thủ học hỏi. Bài học từ những công việc đó có thể đi theo bạn đến suốt cuộc đời.
Mark Casady, Chủ tịch kiêm CEO của công ty tư vấn tài chính LPL Financial, chia sẻ rằng lúc trẻ ông đã không có nhiều cơ hội lựa chọn công việc cho mình. Chính vì vậy, ông đã cố gắng thử làm mọi thứ có thể. Mark bắt đầu kiếm tiền bằng nghề giao báo, và cho biết rằng ông phải đi góp nhặt từng xu lẻ từ khách hàng, vài người trong số đó yêu cầu phải giao đủ 25 lượt rồi mới trả cho ông khoản tiền 25 cents. Trải nghiệm này đã dạy cho Mark bài học về cách biết kết hợp sự kiên định và khả năng thuyết phục người khác.
Về sau, Mark làm những nghề như tài xế xe tải, trồng cây và đốn củi. Ông chia sẻ “Củi luôn sưởi ấm bạn 2 lần: Một là khi bạn chẻ củi và lần còn lại là khi bạn đốt chúng.” Ông chuyển sang làm nghề trông cửa hàng bán hoa khi theo học phổ thông và đại học. Trong năm cuối đại học, Mark làm quản lý cho một khu căn hộ. Ông thường có mặt tại sàn đấu giá và tìm ra những “kho báu” không ai nghĩ đến, ví dụ như một bộ tủ gỗ rất đẹp đã được ông tân trang lại và đem bán ra với số tiền cao hơn nhiều so với chi phí bỏ ra.
Những công việc nêu trên, cùng với công việc tập sự và công việc toàn thời gian đầu đời của mình, đã giúp Mark có được một nền tảng sự nghiệp ổn định, và trở thành nhà lãnh đạo của tập đoàn tư vấn tài chính độc lập lớn nhất nước Mỹ. Cho đến giờ Mark vẫn rất ngạc nhiên làm thế nào mà những bài học từ thuở ban đầu ấy lại dính chặt với ông đến như vậy.
1. Đã nhận thì phải làm tới cùng
Muốn trở thành một cá nhân nổi bật, dám nghĩ, dám làm trong mắt người khác, trước hết bạn hãy luôn hoàn thành mọi công việc dù có vấn đề gì xảy ra. Mark kể khi ông còn làm trong cửa hàng bán hoa, ông đã phải học cách làm những công việc “đáng ghét” như làm bình đựng cốt hay bày biện quan tài trong đám tang. Theo lẽ thường thì những quan tài này luôn được đóng kín. Tuy nhiên, có một dịp, ông bị bắt phải xếp vòng hoa ngay trên nắp quan tài chưa đóng. Quan tài này cần được trang trí cẩn trọng để chuẩn bị cho đám tang một ông cụ vào ngày Chủ nhật. Mark chia sẻ khi ấy ông cảm thấy rất ngại ngần khi phải làm những việc này. Dần dà ông học được cách gạt bỏ mọi sự khó chịu, bực bội để hoàn thành công việc cho dù có yêu cầu gì đi chăng nữa.
2. Không ngừng tò mò
Hãy luôn tìm cách thực hành các kiến thức đã học. Những nhân viên thời vụ hay chưa có kinh nghiệm đều có thể tăng cường giá trị của mình nếu chịu khó xông xáo. Mark cho biết khi ông bắt đầu học kinh doanh ở đại học, ông đã tiếp cận được rất nhiều nguồn thông tin phong phú về các báo cáo kết quả kinh doanh và bảng cân đối kế toán. Ông bắt đầu suy nghĩ về vấn đề tài chính tại cửa hàng bán hoa mà mình làm việc. Nhìn thấy cơ hội để ứng dụng những điều mình đã được học, Mark đã chủ động tính toán và đưa ra góp ý của mình với những người chủ cửa hàng.
Khá ngạc nhiên vì tinh thần dám nghĩ dám làm của Mark, họ đã xem xét thấu đáo sự phân tích của ông và thực hiện vài thay đổi cần thiết. Những trải nghiệm như vậy đã cho Mark sự hiểu biết về cách thức kinh doanh, và biến ông trở thành một nhân viên có giá trị hơn rất nhiều. Mark nhận ra rằng ông đã không thể tích lũy được những kinh nghiệm thực tế đầy ý nghĩa như vậy nếu không chủ động tự tìm kiếm chúng.
Bạn luôn có thể tìm kiếm cơ hội học hỏi thông các công việc tưởng chừng là chán ngắt. Hãy chịu khó quan sát sự tương tác giữa các đồng nghiệp với nhau và suy nghĩ xem một môi trường làm việc được tổ chức tốt là như thế nào. Tại sao có người lúc nào cũng bận rộn trong khi một đồng nghiệp khác lại luôn có thời gian? Phòng ban nào của công ty có công việc thú vị hơn những đơn vị khác? Làm cách nào mà nhà quản lý X có quan hệ tốt với những người dưới quyền của cô ấy, từ đó hãy so sánh với phong cách của nhà quản lý Y?
3. Tìm kiếm cơ hội để tạo nên sự đột phá
Các nhân viên trẻ tuổi biết chịu khó trong giai đoạn đầu có thể học được nhiều bài học quý giá và tìm được cách để tỏa sáng. Trước khi Mark tốt nghiệp đại học, ông cảm thấy rất may mắn khi nhận được vị trí thực tập hè tại một ngân hàng nhỏ ở Indianapolis. Đó là một công việc có thu nhập khá hấp dẫn, nhưng nó lại giúp ông nhận ra rằng mình không muốn trở thành một nhân viên ngân hàng. Nó giúp ông nhận ra rằng mình thấy hứng thú hơn trong việc khám phá cách thức các công ty hoạt động thay vì làm hồ sơ cho họ vay tiền. Một công việc mà ông không thích hóa ra lại là thứ dẫn đường Mark đến với sự nghiệp sau này.
Dù vậy, Mark vẫn có đủ động lực để hoàn thành công việc thực tập của mình, và xem công việc ấy là cơ hội học hỏi. Trong khoảng thời gian đó, ngân hàng nơi ông làm việc đã thu mua lại kho hàng của một nhà cung cấp hoa. Các nhân viên ngân hàng thì chẳng biết làm gì với một đống dụng cụ làm vườn nhưng Mark thì khác. Mark đã gọi cho cửa hàng hoa của mình và bảo: “Tôi có một vụ làm ăn cực tốt cho ông đây.” Và ngân hàng đã vui sướng khi bán được hết kho hàng đó, còn những người bạn của ông tại cửa hàng hoa thì phấn khích vô cùng.
4. Học cách giải quyết vấn đề
Xác định được vấn đề là một chuyện nhưng cũng chả có ích gì nếu không có cách giải quyết vấn đề đó. Mark kể rằng trong một công việc trước đây, ông đã phải thiết kế lại hàng trăm mẫu đơn hành chính vì chúng quá thiếu tổ chức. Ông cũng tạo ra một chương trình đào tạo công việc chuyên biệt cho những người sẽ kế nhiệm mình. Nhờ đó, ông trở thành người được phân công giải quyết các dự án “nóng”. Điều này đã giúp Mark nhận được nhiều sự chú ý và đề bạt trong công ty: ông không phải ngồi ở bất cứ vị trí nào quá 18 tháng.
5. Tiết kiệm từng chút một
Hãy tập tiết kiệm ngay từ ban đầu và kiên định với thói quen đó. Đừng quan tâm khoản lương ban đầu nhiều hay ít mà hãy cố gắng tiết kiệm một khoản nho nhỏ khoản 10% mỗi kỳ lương để xây dựng một quỹ dành cho những việc khẩn cấp. Hãy nhớ rằng, lãi kép chính là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Những nhân viên trẻ tuổi nên tạo dựng thói quen tiết kiệm ngay từ lúc đầu sự nghiệp. Đó là một trong những cách mà công việc ban đầu có thể nuôi sống bạn suốt đời, theo đúng nghĩa đen.
Ý Nhi

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

1%, 9% và mục tiêu của tổng thống Obama


Nguồn: VOV


"Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, mọi nền dân chủ trên thế giới cần phải “lên tiếng mạnh mẽ” để đòi lại “quyền tự do và sự tôn trọng phẩm giá con người”.

“Trong một thế giới mà 1% nền kinh tế có quyền kiểm soát 99% các nền kinh tế khác sẽ không bao giờ tạo ra sự ổn định. Chính vì thế, trong chính sách của mình đối với nước Mỹ, tôi luôn theo đuổi tới việc tạo ra nhiều công ăn việc làm, giảm đói nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng vào đầu tư cho giáo dục”."

How the economic machine works

Giải thích bằng hình ảnh rất hay về kiến thức kinh tế tại trang http://www.economicprinciples.org


Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Làm sao tránh bẫy "công xưởng thế giới"?

Làm sao để Việt Nam tích lũy hơn nữa về công nghệ, kỹ thuật, giáo dục - hay nói cách khác là làm chủ công nghệ (mà TQ hiện đã làm được - thể hiện qua việc thâu tóm các công ty công nghệ lớn trên thế giới) hơn là những chỉ số đơn thuần về kiều hối, ngoại hối và kim ngạch xuất khẩu để tránh được bẫy "công xưởng thế giới" là câu hỏi sau khi đọc bài báo Làm sao tránh bẫy "công xưởng thế giới"?

"Những vấn đề của Trung Quốc trong việc chuyển đổi từ mô hình gia công sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng cũng là một bài học quý giá cho Việt Nam. Để “uốn” nền kinh tế theo mô hình nền kinh tế tri thức (trong dài hạn) hay hướng đến nền kinh tế tiêu dùng (trong trung hạn), Việt Nam vẫn cần tích lũy hơn nữa về công nghệ, kỹ thuật, giáo dục, hơn là những chỉ số đơn thuần về ngoại hối, kiều hối và kim ngạch xuất khẩu. Có như vậy, mới có thể tránh khỏi bẫy “công xưởng thế giới” mà Trung Quốc đang muốn thoát ra."

Nguồn: http://nhipcaudautu.vn/kinh-te/lam-sao-tranh-bay-cong-xuong-the-gioi-3316047/