Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Cẩn ngôn

" Tôi thường hối tiếc vì những gì mình nói, chứ không bao giờ vì sự im lặng của mình."


"Đằng sau mọi lời nói có ý nghĩa đều có sự im lặng tốt đẹp hơn,
Sự im lặng sâu sắc như Vĩnh hằng, lời nói nông cạn như Thời gian."


Bò làm việc liên tục cả năm, mệt, nó than với chó:

"Tao mệt quá ".

Chó gặp mèo tâm sự:

"Bò nó kêu mệt, chắc làm quá sức, chắc nó đòi nghỉ một chút".

Mèo gặp dê tám chuyện:

"Bò nó muốn nghỉ một ngày vì công việc làm nó mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó làm quá sức".

Dê gặp gà:

"Bò nó đòi nghỉ làm, ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải".

Gà gặp heo nói:

"Biết chuyện gì chưa, bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy".

Heo méc bà chủ:

"Bò nó định đổi chủ hay sao, nghe nói nó muốn bỏ việc vì công việc quá nặng”.

Bà chủ nói ông chủ:

"Bò nó định tạo phản, nó muốn đổi chủ".

Ông chủ tức giận quát:

"A con bò này định tạo phản, thịt nó thôi".

Kết quả : Bò bị giết thịt


Bài học là gì?

- Nếu con bò không than với những kẻ nhiều chuyện thêm bớt thì nó sẽ không bị giết. 

Vậy nên đừng có gặp ai cũng tâm sự, kể khổ, kể việc của mình. Trên đời này rất ít người biết thông cảm với người khác, đa phần toàn nghe như chuyện cười rồi lan truyền khắp nơi. Không nên gặp ai cũng thở than, nhiều khi vì quá cả tin người khác mà chuốc họa vào thân.

- Nếu ông chủ không hồ đồ nghe lời thị phị, không hỏi rõ trắng đen thì đã không giết chết con bò chăm chỉ.

- Môt câu chuyện qua miệng kẻ thứ hai là nó đã bị hoán đổi. Đừng vội phán xét hay trách móc người khác khi mình chỉ nghe từ một phía, cần phải nhìn sự việc ở nhiều góc độ để thông cảm với người. Để không vô tình/cố tình làm hại người vì cái thấy phiếm diện của bản thân mình.

- Trong cuộc sống ta có thể vô tình tạo nghiệp nặng vì vô tình “giết” người khác bằng những lời nói, những nhận xét, phát xét của mình. Là người thông minh phải biết lắng nghe, cẩn trọng trong từng lời nói và quyết định liên quan đến người khác.

(Thư viện xuân sưu tầm)