Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Về 10 điều mà Fisher cho rằng nhà đầu tư nên tránh (theo Fisher)

 


1.      Không nên mua cổ phiếu ở các công ty đang trong quá trình hình thành và phát triển

Đứng trên quan điểm đầu tư, Fisher cho rằng điểm khác biệt cơ bản giữa những công ty mới thành lập và những công ty đã hoạt động ổn định đó là:

Ở những công ty đã ổn định, mọi chức năng chính của hoạt động kinh doanh đều được thiết lập và vận hành trơn tru. NĐT có thể quan sát dây chuyền sản xuất, doanh thu, chi phí, đội ngũ quản lý và tất cả các khía cạnh khác của quá trình hoạt động…

Ở những công ty đang trong quá trình hình thành và phát triển thì tất cả những việc mà NĐT có thể làm là lên kế hoạch và dự đoán những khó khăn và lợi thế của công ty. Đây là vấn đề phức tạp hơn nhiều so với những việc cần làm ở những công ty đã hoạt động trong một thời gian dài. Nguy cơ mắc sai lầm có thể xuất hiện trong quá trình đưa ra kết luận. Thông thường, những công ty non trẻ có một vài cá nhân có tài lãnh đạo trong một giai đoạn nào đó của chu trình kinh doanh, tuy nhiên họ lại thiếu kiến thức trong nhiều lĩnh vực quan trọng không kém.
Vì những lý do trên, tác giả cho rằng mặc dù công ty đang phát triển đó có vẻ ngoài hấp dẫn thế nào, vấn đề tài chính của nó cũng nên để các chuyên gia thẩm định bởi họ có đội ngũ quản lý đủ trình độ để sửa chữa những khuyết điểm mà các công ty non trẻ chưa để ý đến.
Thực tế chứng minh: Có tới 95% start-ups phá sản trong 5 năm đầu tiên!?

2. Không nên bỏ qua những cổ phiếu chưa được niêm yết (những cổ phiếu giao dịch trên OTC hoặc Upcom)


Tính hấp dẫn của cổ phiếu chưa được niêm yết khác với cổ phiếu niêm yết là tính thanh khoản (khả năng mua — bán). Tác giả cho rằng nếu xác định được một doanh nghiệp tốt thì không nên e ngại chỉ vì cổ phiếu của nó chưa được giao dịch trên các sàn.
Lịch sử chứng minh những cổ phiếu có tốc độ tăng phi mã trên Upcom như SDI, MSR, VEF… hoặc
cổ phiếu ô tô Trường Hải, MSH trên OTC…

3. Không nên mua cổ phiếu chỉ bởi bạn thích các báo cáo hàng năm của nó

Thông thường, báo cáo thường niên thể hiện tầm nhìn và hành động của ban điều hành công ty trong năm sắp tới. Tuy nhiên, tác giả cho rằng rất nhiều doanh nghiệp, BGĐ không tự tay viết bản báo cáo này, mà nhiệm vụ này được giao cho một bộ phận chuyên trách mang tính hình thức để gửi cho cổ đông. Nếu bạn để cho chữ nghĩa và giọng điệu của bản BCTN ảnh hưởng đến quyết định mua cổ phiếu của mình thì nó cũng giống như việc bạn mua một sản phẩm chỉ bởi hình ảnh đầy lôi cuốn trên bảng quảng cáo.

NĐT nên xem xét thấu đáu và cân nhắc về những vấn đề thực sự trong kinh doanh.

4. Không nên lo lắng khi chỉ số P/E quá cao

Fisher cho rằng chỉ số P/E quá cao có thể là một dấu hiệu cơ bản chỉ ra rằng mức tăng cao hơn của khoản thu nhập (E) trong tương lai phần lớn đã được phản ánh ở mức giá hiện tại. Điều thực sự quan trọng ở đây là phải nắm rõ tình trạng của công ty, đặc biệt là phải xét đến các dự định của nó trong những năm sắp tới. Nếu như đợt tăng lợi nhuận trong những năm đó chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và công ty không có nguồn tăng lợi nhuận tiếp theo, khi mà nguồn lực hiện tại đã tận dụng hết, thì vấn đề lại hoàn toàn khác.
Kinh nghiệm cho thấy, duy trì ổn định lợi nhuận tằng dần qua các năm quan trọng hơn nhiều sự đột biến “bất thường”.

5. Không nên quan trọng hóa những bước giá nhỏ như 1/8 hay 1/4


Tác giả cho rằng khi đã tìm được cổ phiếu tốt thì không nên chỉ vì những bước giá quá nhỏ mà không mua chúng. Những giá phải trả thêm thật sự là không quan trọng so với mức lợi nhuận mà bạn sẽ bỏ lỡ nếu không mua cổ phiếu đó. Nếu cổ phiếu không thuộc loại có tiềm năng tăng trưởng dài hạn thì Fisher khuyên rằng ngay từ đầu NĐT không nên quyết định mua.

6. Không nên đa dạng hóa quá mức danh mục


NĐT đề cao sự đa dạng hóa với nỗi lo sẽ đặt quá nhiều trứng vào một giỏ và rồi khiến họ mua quá ít cổ phần của những công ty mà họ hiểu rõ và quá nhiều cổ phần của những công ty mà họ chẳng có chút hiểu biết nào. Dường như NĐT chẳng bao giờ nhận thức được rằng mua cổ phần của một công ty mà không có đủ kiến thức về nó còn nguy hiểm hơn là không đa dạng hóa. Đó chính là bất lợi của việc đặt trứng vào quá nhiều giỏ để rồi cuối cùng lại rơi vào chiếc giỏ không mấy hấp dẫn và cũng không thể nào canh chừng được tất cả các giỏ đựng trứng đó.

Kinh nghiệm cho thấy, thông thường một danh sách dài các chứng khoán trong danh mục không phải là một dấu hiệu của NĐT thông minh, mà là dấu hiệu của người không tin vào bản thân. NĐT có đầu óc thực tế thường nhận ra rằng anh ta nên tìm kiếm các khoản đầu tư có giá trị thay vì lựa chọn quá nhiều (giữ danh mục trong khoảng 5–10 mã là vừa phải với số vốn dưới 20 tỷ).

7. Đừng e ngại mua vì lo sợ chiến tranh

Chiến tranh khiến các chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn mức có thể thu được từ thuế khi cuộc chiến đang tiếp diễn. Hệ quả là lượng tiền tăng gấp bội nên đồng tiền bị mất giá (lạm phát) dẫn đến giá cổ phiếu rẻ hơn giá trị thực. Fisher cho rằng đây là thời điểm ko nên sở hữu quá nhiều tiền mặt.

8. Không nên sa vào những vấn đề không thực sự quan trọng


Có một thực tế là rất nhiều NĐT thường đặt sự chú ý quá mức vào những con số thống kê tài chính, các bản báo cáo tài chính bề ngoài. Điều gì tạo ra mức giá bán của cổ phiếu? Chính là sự định giá chung tại thời điểm cổ phiếu bán ra của tất cả những người liên quan nghĩ rằng mức giá đó thể hiện giá trị chuẩn xác của cổ phiếu. Fisher cho rằng việc biết được những gì có thể sẽ xảy ra trong vài năm tới mới thật sự quan trọng.

9. Đừng quên xem xét thời điểm cũng như giá khi mua một cổ phiếu tăng trưởng thực sự


10. Đừng chạy theo đám đông


Những xu hướng đầu tư nhất thời và cách hiểu sai lệch về các sự kiện thực tế có thể kéo dài trong vài tháng hoặc vài năm. Tuy nhiên, xét trong dài hạn thì chính thực tiễn sẽ không chỉ xóa bỏ những xu hướng đó mà thường đến một thời điểm còn giúp những cổ phiếu bị ảnh hưởng này tiến xa theo hướng hoàn toàn ngược lại. Khả năng nhìn thấu quan điểm của số đông để tìm ra sự thật đằng sau chúng là một tố chất sẽ mang lại phần thưởng giá trị trong lĩnh vực đầu tư cổ phiếu. Không dễ dàng để thay đổi quan điểm chung của những người có sức ảnh hưởng lớn, tuy nhiên có một nhân tố mà tất cả chúng ta có thể nhận ra và giúp ngăn chặn chúng ta chạy theo số đông. Đó là nhận thức rằng giới tài chính luôn không bắt kịp những điều kiện thay đổi căn bản trừ khi một sự kiện gây tiếng vang hay nổi bật liên quan đến thay đổi đó mà mọi người đều biết.

Kết luận

Trước khi mua cổ phiếu NĐT cần trả lời câu hỏi “Điều gì khiến công ty trở nên khác biệt so với đối thủ?” Như Warren Buffet đã từng nói “Tôi đầu tư vào doanh nghiệp chứ không đầu tư vào cổ phiếu. Giá cả là cái bạn trả còn giá trị là thứ bạn nhận được”. Việc tránh những sai lầm mà Fisher chia sẻ trong cuốn sách này có thể giúp chúng ta tiến gần hơn tới thành công trong lĩnh vực đầu tư đầy thách thức nhưng rất thú vị và trí tuệ này.


Nguồn medium.com







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét