Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

[Truyện ngắn của Phan Việt] Chúa ở đâu?


May đi từ bảy ngày trước. Lần này, May không hề khóc. Mặt nàng bình thản.

- Em không thể sống thế này được. Em phải đi.

Tôi để cho nàng đi. Tôi biết May sẽ quay lại trong vòng một hai ngày, hoặc một tuần. Lâu nhất là một tuần. May là người Mỹ và coi mình là một người Cơ đốc ngoan đạo. Một tuần là khoảng thời gian lâu nhất nàng có thể đi. Nàng đã từng làm thế một lần - gần Giáng Sinh năm ngoái. Lần ấy, chúng tôi cãi nhau to vì tôi đã không “friendly” với những người ở nhà thờ của nàng. Chúng tôi đã đi picnic ở một công viên. Mọi người chuẩn bị đồ ăn, còn tôi ngồi trên ghế xem lũ trẻ chơi bóng. Khi đồ ăn chuẩn bị xong, họ cầu nguyện và chúng tôi ăn. Ăn xong, họ bắt đầu nói chuyện. Một người phụ nữ đứng tuổi kể chuyện Chúa đang giúp chồng bà ta bình phục sau một ca phẫu thuật cắt trĩ. Một người khác tạ ơn Chúa đã hàn gắn quan hệ giữa chị ta với người bố đã bỏ chị ta từ lúc năm tuổi. Một người nói về chuyện nghiện rượu. Đến lượt May, nàng nói rằng nàng tạ ơn Chúa vì đã mang tôi đến. May nói tôi luôn có những câu trả lời rõ ràng về cuộc sống trong khi nàng hay lo lắng viển vông. Nàng nói tôi là cái mỏ neo, là mọi thứ trong cuộc đời nàng; nàng chỉ còn ước một điều là tôi cũng tin Chúa như nàng, để chúng tôi có thể bên nhau cả trên trần thế lẫn khi đã về với nước Chúa.

May nói xong, mọi người đều mỉm cười nhìn tôi. Tôi mỉm cười lại với họ. Tôi không có gì để nói về Chúa, thực sự không có gì để nói. Thế nên tôi cười rồi chờ. Tôi chờ một giây… rồi một giây nữa… Khi những người xung quanh nhận ra tôi không định nói gì, họ liếc nhìn nhau rồi liếc nhìn May; rồi một người quay sang một người phụ nữ trẻ và hỏi cô ta về người chồng đang làm nghĩa vụ ở Iraq.

Khi chúng tôi trở về nhà hôm đó, May nói rằng tôi đã coi thường “my people(1)”.

- Anh bôi gio trát trấu vào mặt tôi – May nói – Anh đúng là loại châu Á vô thần máu lạnh. Anh thử nghĩ xem, chúng tôi đã đối xử với anh thế nào mà anh coi thường chúng tôi như thế?

May đã nói “chúng tôi”. Chúng tôi nào? Nàng không có lý do và cũng không có quyền nổi cáu với tôi về chuyện này. May biết rõ tôi không tin Chúa khi chúng tôi lấy nhau.

May còn gọi tôi bằng nhiều tên khác nữa ngoài “đồ vô thần máu lạnh”. Tôi chưa bao giờ thấy nàng giận dữ như thế. Tôi chẳng gọi nàng bằng tên gì cả. Tôi biết May. Tôi biết tất cả bọn họ. Chẳng cần phải gọi tên nào khác.

Hình như việc tôi không nói gì làm May càng tức giận. Nàng gào lên bằng thứ tiếng Mỹ rất hợp với các cuộc xô xát:

- Do you want me to die? Should I die to make you happy, you son of a bitch(2)?

May nói xong thì lao đến gần cửa sổ như thể nàng sẽ nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Dĩ nhiên, May biết và tôi biết, nàng sẽ không nhảy.

Lúc ấy, tôi ngồi trên chiếc ghế dài tôi thường ngồi xem truyền hình. Tôi biết tôi nên chạy đến ngăn nàng nhưng tôi quá mệt. Tôi chờ một giây trôi qua. Rồi một giây nữa. May nhìn tôi. Nàng không còn khóc. Mắt nàng đỏ nhưng ráo hoảnh. Bất thần, nàng đổ người xuống sàn nhà và cuộn mình lại như một con sâu. Sau đó, nàng bắt đầu những tiếng gào khan. Tôi nhìn May. Rồi tôi đứng lên khỏi ghế và nói:

- For God’s sake, can you cut the crap?(3)

Nhưng May không còn nghe tôi nói nữa.

Tôi mở cửa thò đầu ra ngoài để hứng gió lạnh rồi quyết định đi dạo một vòng. Tôi đã định đi bộ ra tận bờ hồ Michigan; nhưng chỉ đến cuối phố 57, tôi ghé vào quán cà phê Istria và ngồi đó cho đến lúc bắt đầu lên đèn mới về nhà. Khi tôi bước vào nhà, tôi biết May đã đi. Nàng cầm theo túi xách, đồ trang điểm trên bàn phấn trong phòng ngủ và điện thoại di động. Nhưng nàng không trả lời điện thoại khi tôi gọi.

Bảy ngày trôi qua, rồi May gửi email cho tôi. Nàng nói: “Em sẽ về nhà. Chúng ta cần nói chuyện”. Tôi trả lời nàng ngay lập tức. Tôi nói “Em về đi. Chúng ta sẽ nói chuyện”.

Nhưng chúng tôi không hề nói chuyện lần đó. Khi tôi nhìn thấy May bước qua cửa, tôi bước tới ôm lấy nàng. Chúng tôi không bao giờ nhắc lại chuyện đã xảy ra.

Nhưng lần này, May không hề khóc. Tôi thậm chí cũng không chắc vì sao chúng tôi cãi nhau. Lúc đó, chúng tôi đang ngồi trong phòng khách xem một bộ phim có Bruce Willis giải cứu một bộ tộc châu Phi nào đó khỏi chế độ độc tài. Tôi nói “Gớm, Hollywood, phim nào cũng như phim nào; lần nào cũng thấy người Mỹ giải cứu thế giới, lần nào cũng thấy nước Mỹ là anh hùng cứu độ chúng sinh, các rambo Mỹ chân tay lực lưỡng diệt ác trừ gian để cứu những dân tộc nhược tiểu. Vì Chúa! Nước Mỹ cứ dẹp sang một bên, đừng xía vào chuyện thiên hạ thì thế giới có lẽ đã hòa bình hơn. Ai cho người Mỹ cái quyền tự phong mình là đấng cứu thế của thế giới. Thật là lố bịch.”

Thế rồi, trước khi tôi nhận ra, May và tôi đã đang tranh luận về cuộc chiến Việt Nam. Tôi nói, nước Mỹ đã sai khi mang quân tới Việt Nam. Nước Mỹ đã sai khi thả tới tám triệu tấn bom xuống Việt Nam, và May nên biết số bom này bằng bốn lần tổng số bom người ta dùng trong Thế Chiến thứ hai trong khi diện tích của Việt Nam chỉ lớn bằng bang New Mexico của Mỹ. Người Mỹ cũng đã sai khi rải 10 triệu tấn hóa chất, gồm cả chất độc màu da cam, xuống nhiều vùng ở Việt Nam, đến nỗi bây giờ ở nhiều nơi, cây cối vẫn chưa mọc lại bình thường và người ta vẫn không thể sinh sống vì sợ hóa chất, bom mìn. Đấy là còn chưa kể ít nhất hai triệu người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến này và còn rất nhiều di chứng chiến tranh cho tới vài thập kỷ sau, và đấy là còn chưa kể... May nói, nhưng nước Mỹ phải đưa quân vào Việt Nam để người Việt Nam có quyền lựa chọn chế độ dân chủ nếu họ muốn. Tôi nói, ồ không, không không, xin lỗi, đấy chỉ là luận điệu tuyên truyền của giới truyền thông và chính quyền Mỹ lúc đó. Sự thật là chính quyền Mỹ và các tập đoàn tư bản Mỹ cần cuộc chiến Việt Nam vì lý do kinh tế chứ không phải vì lý do nhân quyền, lý do nhân đạo hay những cái khái niệm đẹp đẽ mà người Mỹ được nghe. Các nhà sử học và các thống kê đã cho thấy...

Nhưng tôi còn chưa trích dẫn hết các thống kê thì May đã đứng dậy khỏi ghế. “Tại sao lúc nào anh cũng phải đúng? Tại sao lúc nào anh cũng phải thống kê, lý luận? Lúc nào anh cũng chỉ nghĩ đến cái logic kiểu của anh?” Sau đó May nói: “Em không thể sống như thế này mãi được. Em phải đi.”

- Phải đi? – Tôi nói.

- Anh chẳng tin bất cứ thứ gì trên đời, anh chẳng bao giờ tin có cái gì là tử tế, tốt đẹp. Anh không bao giờ tin em. Em không quan tâm nếu cả thế giới này không tin em. Nhưng anh là chồng em. Vì Chúa, anh là chồng em!

***

Tuyết rơi từ sáng. Tôi ngồi trong phòng khách đọc sách và xem truyền hình. Sáng thứ Bảy, tivi chỉ toàn quảng cáo và hoạt hình. Ngày hôm nay là ngày thứ tám. May vẫn chưa về.

Tôi hút bụi khắp nhà. Tôi giặt quần áo bẩn. Tôi tưới tất cả những cây cảnh chúng tôi trồng bên trong và bên ngoài nhà. Rồi tôi gọi Domino mang đến một cái pizza lớn với bốn lon Coca Cola - cho bữa trưa và tối. Rồi tôi ngủ.

Khi tôi tỉnh dậy đã là ba giờ chiều. Trong nhà im ắng đến nỗi tôi nghe rõ tiếng rì rì của cái tủ lạnh trong bếp. Trên truyền hình vẫn toàn quảng cáo và thể thao; điện thoại không tin nhắn cũng không có cuộc gọi nhỡ, hộp email không thư mới. Tôi tắt tivi, mặc áo khoác, đi ủng rồi đóng cửa đi bộ ra ngoài đường.

Dưới không độ. Trời khô nẻ, nhiều gió. Tôi đi đến khi nóng người thì quyết định rẽ vào hiệu sách Borders ở góc đường 53 cắt với Lake Park. Tôi lấy một quyển sách du lịch châu Á khỏi giá và ngồi đọc mục nói về Việt Nam. Họ in sai nhiều tên, dấu má lộn xộn; nhưng những tấm ảnh thì đẹp. Tôi ngồi rất lâu chỉ xem những bức ảnh Việt Nam và đọc những chỉ dẫn du lịch trên đó. Họ bảo, nếu đến Hà Nội, nhất định phải đến xem múa rối nước Thăng Long vì đó là kỳ quan độc nhất vô nhị trên thế giới. Lần tới về Hà Nội, tôi sẽ thử.

Thế rồi, tôi không thể nào đọc được nữa vì một nhóm người ở trong khu uống cà phê của hiệu sách bắt đầu nói rất to. Họ đã nói chuyện từ lúc nãy nhưng bây giờ, cuộc nói chuyện đã leo thang thành một cuộc tranh luận gay gắt. Có bốn người tham gia cuộc tranh luận trong khi những người còn lại ngồi nghe. Tất cả họ đều là người da đen. Một trong số họ chắc là sinh viên cao học kinh tế của Đại học Chicago vì anh ta mặc một chiếc áo có chữ Uchicago/GSB ở trước ngực. Một người khác bán đĩa nhạc rong trên tàu điện ngầm – anh ta ôm khư khư một hộp đĩa CD trong lòng, anh ta vòng cả hai tay để giữ chúng. Người thứ ba ngồi cạnh một chồng sách cao, toàn sách luyện thi môi giới nhà đất. Và người thứ tư là một thằng bé.

Thằng bé khoảng mười hai tuổi nhưng to lớn như một đô vật Sumo. Tuy thế, khuôn mặt nó vẫn là mặt của một đứa trẻ. Nó không có cổ mà có một cái cằm ba ngấn xệ xuống thành cổ. Cả thân người đồ sộ của nó lút trong chiếc ghế bành màu đen rồi tràn ra ngoài thành ghế. Thằng bé mặc một cái áo len đen ở bên trong; bên ngoài là áo thể thao ngắn tay màu đỏ, rộng thùng thình, có in hàng chữ “Chicago White Sox” trước ngực. Khuôn mặt thằng bé đang đỏ lên vì tức giận. Rõ ràng nó đã rơi vào bẫy của ba người lớn kia mà không biết. Ba người lớn và những người ngồi xem xung quanh quan sát cuộc tranh luận một cách thích thú.

- Được rồi, thế tức là cháu biết là có Chúa? - người sinh viên hỏi.

- Phải, cháu biết là có Chúa - thằng bé nói, giọng khản đặc.

- Làm sao cháu biết chắc? Cháu nhìn thấy Chúa chưa? Cháu đã gặp Chúa chưa?

- Chưa.

- Thế thì làm sao cháu biết là Chúa tồn tại?

- Thằng bé rõ ràng thất vọng và bực mình. Nhưng nó cố gắng kiên nhẫn.

- Thế này nhé… chú đã bao giờ nhìn thấy một triệu đô la chưa?

 - Chưa. Chú chưa bao giờ nhìn thấy một triệu đô la - người sinh viên trả lời với một nụ cười.

- Nhưng chú biết là một triệu đô la có tồn tại, đúng không?

- Đúng, một triệu đô la có tồn tại.

- Thì đấy, Chúa cũng thế. Chú không nhìn thấy nhưng chú biết là có tồn tại.

- Nào, nào, khoan đã – anh chàng bán đĩa CD xen vào – Tôi không nhìn thấy một triệu đô la bao giờ nhưng những người khác đã nhìn thấy. Tôi nhìn thấy một triệu đô trên vô tuyến. Em đã gặp ai nhìn thấy Chúa chưa? Em có nhìn thấy Chúa trên vô tuyến không?

- Không. Nhưng có người đã thấy Chúa. Như bà ngoại em. Bà ngoại em bảo bà nhìn thấy Chúa trong mơ. Năm ngoái, bà em trượt chân, Chúa còn chữa khỏi chân cho bà em.

- Đấy là bà em nói thế. Nhỡ bà em nói dối em thì sao? Mà bà em chỉ nhìn thấy Chúa trong mơ. Tôi còn mơ tôi biết bay, nhưng tôi đâu có bay được, đúng không?

- Bà em không bao giờ nói dối em! Không đời nào!

- OK, có thể bà em không nói dối. Có thể bà em nói thật. Nhưng đấy là sự thật của bà em. Giống như là anh mơ bay được ấy. Đấy là ảo giác. Em có biết từ “ảo giác” không? Em có biết nó nghĩa là gì không? “Ảo giác” là…

- Em biết thừa “ảo giác” là gì.

- Đấy, bà ngoại em cũng thế.... Có thể bà em đau chân nên bà em gặp ảo giác. Có thể não bà em lừa bà em.
Thằng bé suy nghĩ một lúc. Nó cắn môi. Rồi nó nói:

- Nhưng như thế thì các anh cũng không biết chắc là không có Chúa. Các anh cũng không thể nói chắc chắn được.

- Ừ, nhưng mà bọn anh có nói gì đâu - người sinh viên nói - Bọn anh biết hay không không quan trọng. Vấn đề là bọn anh đang hỏi là làm thế nào em biết là có Chúa.

- Em biết. Có thế thôi. Các anh chẳng hiểu được đâu.

Khuôn mặt thằng bé đã chuyển từ đỏ sang tái. Môi nó bợt đi, hai mắt tối sầm.

- Thì thế nên bọn anh đang cố hiểu - người sinh viên nói - Nghe này, bọn anh không định trêu em. Bọn anh chỉ đang cố hiểu.

- Nhưng em không cần các anh hiểu - giọng thằng bé đanh lại.

- Kìa kìa… thôi nào… nghe anh nói này…

Bọn họ tiếp tục một lúc như vậy. Tôi bắt đầu nhìn ra ngoài cửa sổ để xem xe cộ qua lại trên phố 53 và Lake Park. Ngã tư này đông người. Xe đi từng đợt như hơi thở của một người mắc bệnh hen suyễn. Có một quầy bán báo nhỏ đứng ở trên vỉa hè bên kia đường. Người chủ sạp báo ngồi phía trong, thò đầu ra ngoài qua ô cửa sổ nhỏ. Báo, tạp chí, kẹo cao su, kẹo gôm, và một triệu thứ khác bay quanh anh ta. Trời ngày càng gió và tuyết.
_____________________________

1.  “Những người của tôi”. Ở đây có hàm ý tôn giáo vì Chúa phân biệt con cái của Chúa (gọi là “my people”) và những người ngoại đạo. Những thứ chơi chữ này rất khó diễn giải sang tiếng Việt.
2.  Anh muốn tôi chết hả? Chắc là tôi chết thì anh mới sung sướng, đồ chó?
3. Vì Chúa, em thôi cái trò hề đó đi.

Trích trong tập Nước Mỹ, nước Mỹ của Phan Việt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét